Sự hòa trộn văn hóa Tượng_Lâm

Tượng Lâm là nơi tập cư của nhiều nhóm người xuất thân từ nhiều nền văn hóa khác nhau, một sự pha trộn văn hóa tự nhiên giữa các giống người vào thời hoang sơ. Đầu tiên là sự pha trộn văn hóa giữa các nhóm người Indonesia di cư (văn hóa Indus) và Cổ Mã Lai (văn hóa Sa Huỳnh), kế là với nhóm Việt tộc sơ sử (văn hóa Đông Sơn), sau có thêm người Hán (văn hóa Khổng-Mạnh) từ phương bắc di cư xuống và người Môn-Khmer (văn hóa Óc Eo-Phù Nam) từ tây nam đi lên. Cuối cùng là những nhóm Malaysia-Polynesia (văn hóa Mã Lai-Đa Đảo hay Nam Đảo) từ biển cả tràn vào hồi đầu Công nguyên. Nhóm sau cùng, hùng mạnh hơn, đã thu phục hay đồng hóa những nhóm có trước, để chỉ còn yếu tố Nam Đảo độc tôn, và thiết đặt quyền cai trị lâu dài (thế kỷ 1 TCN cho đến thế kỷ 1). Một số cư dân bản địa, không chấp nhận hay không chịu nổi sự cai trị của nhóm di dân mới tới, đã di tản lên vùng rừng núi sinh sống và trở thành những nhóm sắc tộc thiểu số ngày nay, nhưng không vì vậy mà quan hệ giữa đồng bằng và miền núi bị cắt đứt, dân cư hai vùng đã nương tựa nhau để tồn tại trong suốt thời gian dài.

Sang thế kỷ 2, một số thương nhân Ấn Độ đến vùng đất này buôn bán và phổ biến nền văn minh, văn hóa của mình cho những nhà cầm quyền địa phương và một số thể chế tổ chức quốc gia đã được hình thành từ nam đến bắc. Một tấm bia đá tìm được ở làng Võ Cảnh (Nha Trang) cho thấy vị vương cai trị vùng đất phía nam vào thế kỷ 2 tên là Sri Mara, không có phần kế tiếp. Sri Mara chỉ là một tiểu vương Chăm pa ở phía nam (Kauthara), trong khi Khu Liên là một tiểu vương khác ở phía bắc (Indrapura).

Do nằm cạnh lãnh thổ với Trung Quốc, sự hình thành Vương quốc Chăm Pa phía bắc được biết đến nhiều nhất bởi các nguồn sử liệu Trung Hoa và cũng nhờ đó người ta biết thêm về quan hệ giữa người Việt (các Lạc hầu, Lạc tướng) và người Chăm trong thời Bắc thuộc đã rất gắn bó.